Chính quyền Gabon đã quyết định cấm sử dụng các loại túi bằng nhựa plastic. Ngay từ tháng 7-2010, loại túi này sẽ được thay thế bằng loại túi nilon sinh học.

Với việc đưa ra quyết định này, Gabon sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng một biện pháp mạnh ở mức độ quốc gia.

Ngày 4/3, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba đã thông báo quyết định, sẽ áp dụng trong tương lai gần, cấm sử dụng các loại túi nhựa plastic trên toàn lãnh thổ quốc gia. “Một biện pháp khẩn cấp”, phải được áp dụng ngay lập tức, ông Ali nêu rõ.

Bắt đầu từ ngày 1/7, tất cả loại túi nhựa plastic sẽ “được thay thế bằng các loại túi nilon sinh học trên toàn lãnh thổ Gabon”, ông Henri Michel Auguste, Chủ tịch tổ chức H2O tại Gabon cho biết.

Tại phần lớn các quốc gia châu Phi, các loại túi nhựa plastic được sử dụng một cách quá rộng rãi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm hóa học đất, các nguồn nước ngầm cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác đối với môi trường. “Một túi nhựa plastic phải tồn tại ít nhất 150 năm trước khi phân hủy. Đối với nhiều loại túi, thậm chí cần tới 400 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa”, ông Henri Michel Auguste nhấn mạnh. Theo ông, việc cấm sử dụng túi nhựa plastic sẽ chỉ đem lại hiệu quả tốt nếu nó được áp dụng “ngay từ khi bắt đầu được manh nha hình thành từ các nhà máy sản xuất”.

Nếu chính phủ kiểm soát tốt vấn đề này, Gabon sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng một quyết định mạnh mẽ như vậy trên toàn lãnh thổ quốc gia.

Trước đó, lệnh cấm cũng như hạn chế sử dụng túi nilon cũng đã từng được nhiều quốc gia hưởng ứng, tuy nhiên mới chỉ được áp dụng ở cấp địa phương. Năm 2002, thành phố đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm sử dụng túi nilon là thủ đô Dhaka (Bangladesh). Tiếp đó là Ireland, đánh thuế túi nilon kể từ năm 2002 nhằm giảm lượng tiêu thụ túi nilon xuống 90%.

Tháng 4/2003, vịnh Coles ở Tasmania đã trở thành “thành phố đầu tiên không sử dụng túi nilon của Australia” và hành động này sau đó đã nhận được sự hưởng ứng của 12 thành phố khác. Năm 2005, các nhà lập pháp của Pháp cũng đã bỏ phiếu thông qua việc cấm túi nilon khó phân huỷ sinh học vào năm 2010. Các quyết định tương tự cũng đã được đưa ra tại nhiều nơi như các bang miền tây Maharashtra (Ấn Độ); San Francisco (Mỹ); Butan; Nhật Bản;Trung Quốc; Rwanda; Eritrea; Nam Phi; Uganda và Kenya …

Cuối năm 2009, các nhà khoa học tại trường Đại học Tổng hợp Campinas (Brazil) cũng đã giới thiệu một loại túi nilon sinh học mới, có khả năng tự hủy rất nhanh. Đây là loại túi được làm từ cây Quinoa, (tên khoa học: Chenodium Quinoa), một loại cây lương thực sinh trưởng tại vùng núi Andes. Ưu điểm nổi bật của loại túi này là có thể tự tiêu hủy dưới tác động của vi sinh vật (chôn dưới đất) chỉ trong vòng 18 ngày.

Theo Hải Lê (website ĐCSVN/Xinhua, AP, AFP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *